Hội đồng đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ cấp Bộ: “Đánh giá một số tổ chức nghiên cứu và phát triển lĩnh vực khoa học vật liệu”

Chiều ngày 17/10/2017, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ đã bảo vệ nghiệm thu nhiệm vụ cấp Bộ: “Đánh giá một số tổ chức nghiên cứu và phát triển lĩnh vực khoa học vật liệu”.

Tại buổi họp, TS. Trần Hậu Ngọc – Viện trưởng đã thay mặt cơ quan chủ trì báo cáo với Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ do TS. Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ làm Chủ tịch bối cảnh thực hiện nhiệm vụ và định hướng phát triển hoạt động đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) của Viện vào những năm tiếp theo. Chủ nhiệm nhiệm vụ - TS. Phạm Xuân Thảo đã thay mặt nhóm thực hiện báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Nhóm thực hiện báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ trước Hội đồng đánh giá nghiệm thu.

       Sau 18 tháng thực hiện, nhóm thực hiện đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt được mục tiêu đề ra, đó là đánh giá được hiệu quả hoạt động của một số tổ chức nghiên cứu và phát triển (NC&PT) thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu (KHVL) ở Việt Nam theo hướng dẫn tại Thông tư số 38/2014/TT-BKHCN ngày 16/12/2014 quy định về đánh giá tổ chức KH&CN. Ngoài Báo cáo tổng kết nhiệm vụ, các sản phẩm đã đạt được theo đúng hợp đồng thực hiện nhiệm vụ, cụ thể gồm:

(1)Báo cáo về thực trạng các tổ chức NC&PT lĩnh vực KHVL ở Việt Nam. Đây chính là báo cáo khảo sát tiền đánh giá. Nội dung của Báo cáo đã làm rõ được: sự phân bố của các tổ chức NC&PT lĩnh vực KHVL trên lãnh thổ Việt Nam; quy mô các tổ chức (nhân lực, vật lực, tài lực); loại hình nghiên cứu trong các tổ chức (nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, …); về điều phối hoạt động; và các vấn đề liên quan khác. Đồng thời lựa chọn ra 06 tổ chức làm đại diện để đánh giá;

(2)Báo cáo đánh giá từng tổ chức đã phản ánh trung thực, thể hiện rõ nét các nội dung chủ yếu sau: nhận định, kết luận về thành tựu/kết quả hoạt động (có phân tích luận cứ và bằng chứng) ở từng khía cạnh/tiêu chí; nhận định về những điểm mạnh, điểm yếu của tổ chức (có phân tích bằng chứng và luận giải nguyên nhân); và khuyến nghị những biện pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu và kiến nghị cơ chế, chính sách nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các tổ chức NC&PT lĩnh vực KHVL nói riêng và của các tổ chức KH&CN nói chung. Trên cơ sở kết quả đánh giá, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã công bố 01 bài báo khoa học trên Tạp chí Chính sách và Quản lý KH&CN (Số 2, 2017), trong đó phản ánh “Những vấn đề nổi bật về hiện trạng và khuyến nghị cải thiện hoạt động của các tổ chức nghiên cứu lĩnh vực khoa học vật liệu ở Việt Nam”.

(3)Báo cáo đánh giá việc áp dụng Thông tư số 38/2014/TT-BKHCN vào thực tiễn để đánh giá các tổ chức NC&PT lĩnh vực KHVL. Báo cáo đã thể hiện rõ những nhận xét về quá trình áp dụng từng nội dung của Thông tư số 38/2014/TT-BKHCN để đánh giá các tổ chức NC&PT lĩnh vực KHVL (Đây là văn bản mới liên quan đến việc đánh giá tổ chức NC&PT, bước đầu tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đánh giá phát triển phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý KH&CN). Các nhận xét đã được chứng minh bằng các luận chứng thuyết phục, với các khía cạnh sau: tính đầy đủ; tính logic; tính phù hợp; … và đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện văn bản này. Nhóm thực hiện cũng đã kiến nghị những nội dung nhằm đánh giá các tổ chức NC&PT trên phạm vi toàn quốc như thế nào cho hợp lý, để phục vụ việc quy hoạch, tái cơ cấu hệ thống tổ chức KH&CN.

         Sau hơn 2 giờ làm việc, thay mặt các thành viên Hội đồng đánh giá, TS. Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch Hội đồng đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ đã kết luận: Đề tài đã hoàn thành các nội dung theo Thuyết minh nhiệm vụ đã được Bộ KH&CN phê duyệt,  các kết quả của nhiệm vụ là đáng tin cậy và là tài liệu tham khảo có ý nghĩa đối với các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức NC&PT và các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các tổ chức nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực khoa học vật liệu. Đồng thời, Chủ tịch hội đồng cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc phát triển cơ sở dữ liệu về đánh giá các tổ chức và tiến hành đánh giá thường niên cho các tổ chức ở nhiều lĩnh vực KH&CN./.

Nguồn: Phòng Nghiên cứu Đánh giá khoa học, Viện Đánh giá khoa học và Định giá Công nghệ