Toàn cảnh buổi làm việc
Dự buổi làm việc về phía Bộ KH&CN có đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN. Về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên BCH TW Đảng; Bí thư Tỉnh ủy; Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Lâm Thị Hương Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh.
Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình báo cáo tại buổi làm vệc
Báo cáo tại buổi làm việc về tình hình hoạt động KH&CN giai đoạn 2016-2021 của tỉnh Bắc Giang, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong những năm qua, Bắc Giang luôn nằm trong top các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng GRDP dẫn đầu cả nước. Bắc Giang đã tận dụng tốt cơ hội sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh và trở thành điểm sáng của cả nước về thực hiện “mục tiêu kép” với nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật.
Kết quả các đề tài, dự án đã đóng góp tích cực nâng cao giá trị, chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hầu hết các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh như: gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, nấm Lạng Giang, rau Yên Dũng, ba kích Sơn Động, na dai Lục Nam, bưởi Hiệp Hòa, vú sữa Tân Yên, khoai tây Việt Yên... đều có đóng góp quan trọng của KH&CN; giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Năm 2021, năng suất và chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay, sản lượng đạt khoảng 215 nghìn tấn, tăng 30% so với năm 2020. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt 6.725 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở KH&CN Bắc Giang đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ triển khai một số nhiệm vụ như: Tổ chức các sự kiện trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô vùng hoặc quốc gia; đầu tư xây dựng Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh trở thành Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KHCN có quy mô lớn trong vùng trung du miền núi phía Bắc; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lựa chọn tỉnh Bắc Giang để triển khai các mô hình điểm, dự án điểm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tham gia các chương trình của Bộ KH&CN…
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050. Đây là căn cứ quan trọng để tỉnh triển khai nhiệm vụ trên tất cả lĩnh vực trong thời gian tới. Bước sang năm 2022, cùng với cả nước, tỉnh triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương.
Đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, Bắc Giang luôn xác định vai trò quan trọng của KH&CN, đặc biệt trong nhiệm kỳ này, tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng KH&CN và đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết, cơ chế chính sách cụ thể. Đồng chí khẳng định, vai trò của KH&CN trong tất cả các lĩnh vực đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp có những đóng góp rất lớn, điển hình là góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương như: Vải thiều, gà đồi Yên Thế,... Hiện, Bắc Giang có diện tích vải thiều lớn nhất cả nước, chủ yếu tiêu thụ sản phẩm tươi, phần đưa vào chế biến rất ít. Sản lượng vải tươi lớn lại thu hoạch trong thời gian ngắn nên việc tiêu thụ gặp khó khăn. Nhân dịp này, tỉnh Bắc Giang đặt hàng Bộ KH&CN giới thiệu, tìm kiếm công nghệ chế biến, bảo quản vải thiều nhằm lựa chọn được công nghệ phù hợp, từ đó nâng cao giá trị vải thiều, đồng chí Dương Văn Thái cho biết.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bắc Giang, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ đã có những phát biểu, các ý kiến cơ bản đồng thuận và nhận thấy đây là những vấn đề thực tiễn, có tính cấp thiết để giải quyết những vấn đề KH&CN phục vụ cho phát triển của địa phương.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, Bắc Giang đã đạt được một số kết quả tích cực.
Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&CN tinh thần chung là ủng hộ các kiến nghị, đề xuất của tỉnh và giao cho các Vụ, các đơn vị có liên quan của Bộ, rà soát tham mưu để có thể xem xét phối hợp triển khai trong thời gian tới. Ngoài các kiến nghị trên, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tham gia xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời cần rà soát, xem xét đề xuất những vấn đề trọng tâm, có tính lan tỏa, tác động lớn đến nhiều địa phương, nhiều ngành lĩnh vực để ưu tiên thực hiện phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, tránh dàn trải.
Để hoạt động KH,CN&ĐMST của tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát triển, thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của đất nước, Bộ trưởng đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp tục thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của ngành KH&CN tỉnh nhà cũng như đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước, trước tiên tập trung một số nội dung trọng tâm sau: Tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động KH&CN đổi mới sáng tạo, phấn đấu tăng dần tỷ lệ đầu tư tiệm cận dần đến mức 2% ngân sách nhà nước chi cho KH&CN trong tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn; Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến cho các ngành, lĩnh vực. Trong đó ưu tiên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, giao thông, đô thị thông minh, du lịch sinh thái gắn với văn hóa tâm linh, sản xuất thông minh, công nghệ vật liệu mới thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống; Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư của doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN, tăng cường nguồn lực cho KH&CN, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp KH&CN có quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, từng bước lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo; Quan tâm đến trình độ công nghệ, mức độ tiên tiến hiện đại của thiết bị, công nghệ của các dự án khi được cấp phép đầu tư; Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo hộ xác lập quyền và khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa đã được hình thành tại thị trường trong và ngoài nước…
Nguồn: MOST
Những tin mới hơn:
Những tin cũ hơn:
|
|
Đang truy cập : 85
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 84
Hôm nay : 8354
Tháng hiện tại : 240873
Tổng lượt truy cập : 6327683