Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội
nghị.
Đối với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và
Nhà nước ta đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của KH,CN&ĐMST, xem đây là “đột phá chiến
lược” và là “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh
của nền kinh tế; đồng thời nhấn mạnh quan điểm “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào
KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số”, nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN trong nước để có thể
triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển công
nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, như: công nghệ số, công nghệ thông tin, công nghệ sinh
học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường…
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm
2030. Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể. Mục tiêu tổng quát của Chiến
lược là tập trung vào 2 nội dung chính, đó là: xác định vai trò và sự đóng góp của KH,CN&ĐMST
đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; và xác định mục tiêu về phát
triển tiềm lực và trình độ của KH,CN&ĐMST Việt Nam.
Đồng thời, Chiến lược cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung vào giải quyết những hạn chế,
rào cản đã tồn tại thời gian dài, ảnh hưởng đến phát triển KH,CN&ĐMST ở nước ta, bao gồm: đổi
mới cơ chế hoạt động KH,CN&ĐMST, trong đó tập trung sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về
KH&CN; xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia, phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia, liên kết chặt
chẽ với khu vực và thế giới; thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho
KH,CN&ĐMST, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST có
trình độ và năng lực sáng tạo cao; chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST.
Thu hút nguồn nhân lực KH&CN người Việt Nam ở nước
ngoài
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, để có thể thực hiện thành công Chiến lược phát triển
KH,CN&ĐMST không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của riêng ngành KH&CN, mà còn cần sự vào
cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các địa
phương, các cơ sở đào tạo - nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, chuyên gia
người Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách thể
hiện sự quan tâm đối với công tác kiều bào ta ở nước ngoài tại nhiều văn bản quan trọng, dần tạo
dựng môi trường, cơ chế trong nước thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó, phát
huy năng lực của mình đóng góp cho đất nước. Các văn bản này đều khẳng định cộng đồng người Việt
ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, chủ
trương thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài dựa trên tiềm năng, năng lực, tính khả thi
của nguồn lực, đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển của đất nước; tập trung xây dựng cơ chế,
chính sách ghi nhận và vinh danh đối với những đóng góp của kiều bào, hỗ trợ kinh phí và tạo
thuận lợi về thủ tục xuất - nhập cảnh, visa, giấy phép lao động, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, ưu
đãi thù lao khi tham gia các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học...; thu hút, khuyến khích
chuyên gia Việt Nam vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở
nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, với nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành KH,CN&ĐMST, thời
gian tới, Bộ KH&CN mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tích
cực tham gia đề xuất những giải pháp thiết thực để Việt Nam có thể thực hiện việc chuyển đổi
nhanh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và tiến bộ KH,CN&ĐMST; dẫn dắt,
kết nối đưa nền KH&CN trong nước hội nhập với thế giới.
Đồng thời, cung cấp kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia phát triển để cùng các nhà khoa học,
nhà quản lý trong nước thực hiện: xây dựng thể chế, cơ chế chính sách KH,CN&ĐMST phù hợp với
thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ
trong hoạt động KH,CN&ĐMST; xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tăng cường đóng
góp của KH,CN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng khuôn khổ pháp lý để triển
khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình - mô hình kinh tế mới dựa
trên KH,CN&ĐMST.
“Những nội dung này đang được Bộ KH&CN đặc biệt quan tâm trong quá trình tham khảo kinh
nghiệm xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về hoạt động
nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ theo cách tiếp cận toàn diện của hệ thống
ĐMST quốc gia, thúc đẩy cả ba chức năng tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức
mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay.
Bộ trưởng mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ thu hút nguồn
lực đầu tư nước ngoài cho KH,CN&ĐMST; tham gia đào tạo nhân lực, trao đổi kinh nghiệm, nâng
cao trình độ, năng lực hoạt động cho đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia trong nước, trong đó quan
tâm một số lĩnh vực như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Cùng với đó, đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài tham mưu cho hoạt động quản
lý nhà nước về ĐMST phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng
cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tiến tới tự
chủ công nghệ, từng bước xây dựng nền kinh tế tự chủ của đất nước; cung cấp sáng kiến trong ứng
dụng công nghệ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hoá kết quả nghiên cứu
KH&CN; hỗ trợ tìm các giải pháp KH&CN để xử lý những khó khăn, thách thức về công nghệ mà
trong nước đang gặp phải; hỗ trợ Việt Nam hình thành và triển khai một số chương trình KH&CN
trọng điểm, có tầm vóc nhằm phát triển và ứng dụng KH,CN&ĐMST để thực hiện các đột phá chiến
lược của đất nước; đồng thời đóng vai trò chủ trì, dẫn dắt, tham gia thực hiện các nhiệm vụ
KH&CN quan trọng của quốc gia.
Trong thời gian tới, với quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chính sách đột
phá nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung tay
và đóng góp của đội ngũ trí thức và chuyên gia người Việt Nam trên toàn thế giới, KH,CN&ĐMST
chắc chắn sẽ trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước.